NHỚ MIỀN TÂY

 


@@@


Sáng chủ nhật, trời dịu mát sau cơn mưa đêm tiết lập thu. Chiều qua trời còn oi nóng ngột ngạt chuyển mùa,...
Nhâm nhi tách trà san tuyết cổ thụ tự ướp hương nhài, thứ trà mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đặc biệt thích, đã kỳ công thửa.
Ngó ti vi, thấy báo tin, năm nay mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long về sớm, hứa hẹn một mùa lũ lớn. Mới đầu tháng bảy ta mà nước đã mênh mông tràn bờ. Lâu rồi, dân miền Tây mới có tâm trạng náo nức đánh bắt cá tôm như thế. Nhìn những mẻ lưới đầy ắp cá linh non tươi rói sống động mà thèm con mắt,... Ít ngày trước, tình cờ xem một phim tài liệu về mùa Len trâu ở miền Tây Nam bộ. Thật cuốn hút. Rồi đó là loạt phóng sự ký ức miền Tây, đặc biệt là nghề thương hồ,... Ký ức về mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long sống dậy trong tôi. Dẫu phim còn chưa nuột song những hình ảnh về mùa nước nổi làm tôi nghẹn lòng, vì nhớ...





Nhớ quá đi thôi. Ôi miền Tây xa xưa của tôi ơi. Ơi vùng đất đã lấy đi tuổi trẻ đầy khao khát một thời của tôi ơi.
Khi ấy tôi vừa bước vào tuổi 24, tốt nghiệp đại học chưa lâu, cầm tờ quyết định vào An Giang, để lại sau lưng người mẹ già sống một mình và người bạn gái dạy học ở một trường xa... Chiếc ba lô quân đội của người anh rể phục viên cho, đựng căng những sách và từ điển, chỉ vài bộ quần áo đơn sơ, lên tàu đường sắt Thống Nhất giữa mùa mưa bão miền Trung dữ dội. Nhớ làm sao lần đầu chạm mặt Sài Gòn hoa lệ,... Nhớ làm sao chuyến phà Mỹ Thuận ngang sông Tiền, tiếp đó là đồng nước nổi mênh mông đầu mùa lũ khi ngang qua Cao Lãnh, Lấp Vò, rồi phà Vàm Cống vượt sông Hậu về Long Xuyên,...
Nhớ làm sao chuyến xe đò cà tàng lao xao tiếng Khmer chen lẫn tiếng Kinh từ thị xã Châu Đốc, đi Núi Sam, ngang Nhà Bàng, thị trấn Tịnh Biên đến Tri Tôn. Con đường mảnh như sợi chỉ căng ngang đồng nước với những chòm núi lô nhô nổi như đám dừa điếc khô rụng,...
Nhớ làm sao những bữa cơm tập thể gạo đỏ lẫn đầy thóc ăn với cá rô đồng nửa kho xổi lõng bõng nước hàng, nửa nấu canh chua me bông súng do chị đầu bếp Tư Nái nấu cho ăn,...
Nhớ làm sao những đêm mất ngủ, mông mị vì sợ bóng tối hoang vu bí hiểm từ vườn cây dừa xoài rậm rạp và những bức tường long lở dấu vết ngôi chùa cũ,...
Nhớ làm sao những đêm hè ngột ngạt không điện, hãm hạt đỗ chiếc đèn dầu hỏa đỏ quạch, cửa đóng chặt sợ ma vì bên ngoài hàng rào cây căn phòng mình ở là nghĩa địa có vài ba ngôi mộ mới chôn,...
Nhớ làm sao những trận rượu say mụ mị người đi không vững sau cuộc nhậu ở nhà anh Sáu Tươi hay anh Tư Chọn,...
Nhớ làm sao những đêm bị cảm sốt hay sốt rét gì đó, nằm co ro một mình, chốc chốc lại cố bò dậy uống nước đỡ khát, vò khăn mặt ướt đắp trán giảm sốt,...
Nhớ làm sao những đêm nhớ mẹ và nhớ bạn gái, để bật ra câu thơ “chập tối nhớ mẹ, đêm là nhớ em”...
Nhớ làm sao niềm vui khấp khởi khi chuẩn bị được đi phép ra Bắc,... và nỗi chán chường sau mỗi chuyến đi phép trở vào nơi cũ,...
Nhớ làm sao những ngày chủ nhật, cùng Dũng, Minh, Liên đi chợ mùa đồ về tự nấu nướng, uống rượu say khật khừ, vỗ ghi ta nghêu ngao hát hết bài này sang bài khác.
Nhớ làm sao mùa nước nổi, cua càng bò nghênh ngang cắp nát ngọn lúa ngoi, hay từng đàn chuột đồng bơi lóp ngóp ăn lá lúa rồi lúc nhúc leo lên trú chân ngủ trên cây tràm hay cây thốt nốt,...
Nhớ làm sao mùa cá linh cơ man rẻ rề đến mức thành câu cửa miệng của mấy bà chợ búa ví von- "rẻ như cá linh",... Còn mình thì bữa nào cũng xơi món chế từ cá linh, tẩm bột chiên ròn, lẩu và cá linh hấp rau kim thất ở nhà chị Tư Bề, ngán đến tận óc,...(giờ thèm cũng chẳng có mà ăn vì cá linh hiếm thành đặc sản, ...
Nhớ làm sao món bún thịt trăn ở chợ An Lạc, ăn vì tò mò,vvừa ăn vừa dè chừng, nghe ngóng,...
Nhớ làm sao những lần đi địa bàn Ba chúc, Lạc quới, Vình Gia, hay Ô Lâm, An Phước,...
Nhớ làm sao những lần đón bạn xa đến chơi, nhà báo Sỹ Bình từ Sài Gòn, hay anh bạn Gia Trình từ Bạc Liêu,...
Nhớ làm sao những buổi tối tán gẫu với anh chàng Chau Von, thủ kho thuốc người Khmer, để mình lấy tư liệu về văn hóa Khmer, đặng âm thầm nuôi hy vọng viết lách theo đòi nghiệp báo chí, văn chương,...
Nhớ và nhớ, cứ vậy đằng đẵng gần 7 năm trời. Có lẽ nỗi cô đơn, khát vọng đổi đời đã thôi thúc mình viết. Bất kể là gì, báo chí, thơ, truyện, tạp bút,...
Nhớ làm sao niềm vui, niềm hạnh phúc khi biết bài viết của mình được đăng báo Nông nghiệp, báo Nhân dân, rồi phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam,...
Cứ thế, chúi đầu vào viết,... Nhờ thế mà mình trở thành nhà báo, nhà văn chăng ?...
Ừ giờ là mùa nước nổi, qua rồi lại đến mùa đốt đồng,... Ngày ấy đếm mùa để giết thời gian, xem mình đã ở mảnh đất này bao lâu? Giờ thì đếm mùa lũ, mùa khô để nhớ,...
Ngày xưa khổ và buồn như thế, chỉ mong nó nhanh qua,... Còn bây giờ muốn quay lại thời gian khó ấy cũng chẳng được, bởi đấy là tuổi trẻ, mà thời gian thì không trở lại bao giờ,... Chỉ còn lại ký ức mà thôi.
Vậy là già rồi đấy. Nhiều khi những hình ảnh bất chợt hay vu vơ cũng dễ gợi nhớ về thời xưa cũ. Nhớ thì đành viết thôi,...
Nhẽ chăng, không có những ngày ấy mình không theo nghề viết và chẳng trở thành nhà văn?...




Nhận xét