@@@
DỰ CẢM Mạc Ngôn
Bạn đọc từng biết đến tiếng tăm của nhà
văn Trung Quốc - Mạc Ngôn qua những tiểu thuyết khá nổi tiếng của ông như : Cao lương đỏ, Báu vật của đời, Đàn hương
hình, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ,
và sau đó là Tửu quốc, Tổ tiên có màng chân,
Sống đọa thác đầy... Song không chỉ có vậy, tạp văn cũng là một thế mạnh, một
đặc sắc của Mạc Ngôn.
Bản thân tạp văn, là một thể loại nửa
triết nửa văn, là một cách tu dưỡng tinh thần của các nhà hiền triết, nhà tư tưởng,
nhà văn Trung Hoa từ lâu đời. Tự thân nó đã là một đặc sắc Trung Hoa. Người ta
từng biết dến các tác gia mổi tiếng ở thẻ loại tạp văn như Lỗ Tấn, Ba Kim. Giả
Bình Ao... Viết tạp văn đến độ đặc sắc, thật
khó gấp bội !
1.
Viết tạp văn, với Mạc Ngôn cũng là một thách thức, bởi
trước đó, nền văn học Trung Quốc đã có rất nhiều những nhà văn nổi tiếng đã từng
viết tạp văn, cổ thì : Kim Thánh Thán, Mao Tôn Cương, Viên Mai…; kim thì những
Lỗ Tấn, Lão Xá, Ba Kim; còn đương thời thì có Vương Sóc, Giả Bình Ao, Vương Mông
v.v… Chắc chắn , sẽ có nhiều nhà văn đương đại khác cũng đều thử sức mình ở thể
loại tạp văn, ngỡ dễ dàng nhưng thực ra lại vô cùng khó này…
Không rõ là khi viết tạp văn, Mạc Ngôn
có chịu ảnh hưởng gì các bậc tiền bối và cả bạn văn cùng thời với mình không,
song chắc chắn một điều, Mạc Ngôn đã sáng tạo ra một sắc thái tạp văn rất Mạc Ngôn. Điều ấy có nghĩa là nó không bị
nhòa lẫn vào ai và về cách nghĩ cùng bút pháp khá nhất quán với một Mạc Ngôn tiểu thuyết.
Trở lại với tuyển tập tạp văn Mạc Ngôn,
với 25 thiên tạp văn, tùy bút, ta có thể thấy rõ có mấy mảng đề tài, chủ đề lớn,
đó là về quê hương, về sở thích, về mộng văn chương cùng bóng dáng các văn nghệ sĩ và những tản mạn
khác.
Theo tôi, sâu đậm nhất và hay nhất là phần về quê hương.
Trong mảng đề tài này, thì ngoài những kỷ niệm thời ấu thơ cùng con người và cảnh
sắc vùng quê (như Bức tường biết hát, Tắm
nước nóng, Chó,chim và ngựa , Chuyện
cũ quê hương), ấn tượng hơn cả lại nằm trong những trang viết về cái đói và miếng ăn, chẳng hạn như : Chuyện miếng ăn, Chuyện mộc tồn, Mười hai
thiên tạp cảm…Ở đây, Mạc Ngôn đưa người đọc trở về dầu những năm 60 của thế
kỷ 20, khi ấy kinh tế Trung Quốc còn rất khó khăn, và nó lại càng khốn khó hơn
với vùng quê của tác giả-vùng Cao Mật, Sơn Đông thuộc đông bắc Trung Quốc sau mấy
năm thiên tai, mất mùa liền. Sơn Đông vốn là một vùng địa linh nhân kiệt nổi tiếng,
xưa kia vào thời Đông Chu liệt quốc thuộc Lỗ Tề, quê hương của nhà tư tưởng vĩ đại
vào hàng bậc nhất Trung Quốc và thế giới,
đó là Khổng Tử. Vùng đất địa linh nhân kiệt này kề biển lớn, có núi Thái Sơn, một
ngọn núi nổi tiếng còn hơn cả Khổng Tử. Một vùng đất hội tụ sự kiệt hiệt của cả
Thiên-Địa-Nhân, ấy vậy mà lại đói. Đói khủng khiếp. Cao Mật quê của Mạc Ngôn đói
lay đói lắt, đói rạc đói dài. Với cái đói, người bình thường đã khổ, với kẻ phàm
ăn như Mạc Ngôn thì không biết khổ đến mức nào ? Dưới cái nhìn của những người
dân quê đói kém, qua con mắt thèm thuồng của đứa trẻ phàm ăn là Mạc Ngôn, đến
thứ rong rêu cỏ rả mà bình thường thì ngựa cũng chê, bỗng trở thành thứ rau ngon
cứu đói. Đọc những dòng Mạc Ngôn viết tuyệt hay về cái đói, và miếng ăn cho vào
miệng, tôi chợt ngộ ra ý nghĩa sâu xa của bức đại tự ở nhà thờ tổ một dòng họ nọ
: " Thủy hữu dĩ ". Vậy nghĩa
lý ra làm sao ? Thì ra, nguồn cội của bức đại tự ấy được lấy từ Kinh Thi. Trong Kinh Thi, quyển Hạ, phần
Đại Nhã, bài số 250 là Văn vương hữu
thanh có 6 chương đều ca ngợi công đức của Văn Vương, Vũ Vương nhà Chu. Chương
thứ 6 theo thể hứng, nguyên văn là:
"Phong thủy hữu dĩ/ Vũ vương khởi
bất sĩ?/ Di quyết tôn mưu/ Dĩ yến dực tử/ Vũ vương chưng tai !" , dịch nghĩa là: Sông
Phong có cỏ dĩ. Vũ vương há lại không có công việc để lo lắng hay sao? Truyền một
mưu kế lâu dài cho cháu. Để con được yên ổn hiếu kính. Vũ vương đáng là bậc làm
vua thay. Ở đây, chữ dĩ (có bộ thảo đầu) được chú giải là một loại cỏ rong, cỏ thơm, bình
thường dùng làm thức ăn cho gia súc, song gặp khi giáp hạt, đói kém thì con người có thể ăn thay rau cũng đỡ xót
dạ. Nó quan trọng ở việc có thể làm thức ăn cứu người. Ấy là sự lo lắng cái đói
mà phòng cơ tích cốc, tích cái ăn được, nghĩa sâu xa được hiểu như lời căn dặn
con người ta luôn phải tính kế sinh nhai lâu dài, lo cho có nghề có nghiệp, lo
mà dạy con cháu biết kiệm ước, chuyên cần
... Rất có thể , từ xa xưa, chính những người nông dân vùng Cao Mật, Sơn Đông ấy
đã sáng tác ra những bài ca dao như thế? Ấy là tôi cứ liên tưởng và suy diễn thế
thôi. Ở xứ nào cũng vậy, cái đói làm cho người ta khốn khổ, song cũng làm người
ta sinh động hẳn lên. Ở xứ ta, Nam Cao và Ngô Tất Tố cũng đã viết rất tuyệt về
cái đói đấy sao ! Ôi cái sự lo xa của người xưa ! Lo đi lo lại, lo lớn lo bé,
loanh quanh rồi cũng quay về miếng ăn cả. Thế mới thấu hiểu đạo lý " Dân dĩ thực vi thiên ". Phần lớn sự
thất đức, tội ác ở đời đều từ miếng ăn mà ra cả ?!
Bằng lối viết tự
sự, dí dỏm xen lẫn trữ tình, bi hài chen lấn nhau, Mạc Ngôn đã đưa người đọc đi
từ những chuyện vụn vặt, những điều bình thường ở mức tận cùng của nó, với đầy
bất ngờ, để rồi bật lên vẻ đẹp, cái cao thượng và sự trong sáng của con người.
Phần về sở thích với các tạp văn: Tôi và âm nhạc, Tôi và rượu, Tôi và cừu, Giấc mộng đại học của tôi, Đọc
sách tuổi ấu thơ …đó là những dòng tự sự vừa thủ thỉ cam chịu, lại vừa tung
hoành và đầy rẫy những khát khao chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, cùng đam mê đến
cháy lòng những điều bình thường, giản dị !...
Ở phần viết về văn chương và các văn nghệ sĩ, ta lại
thấy một Mạc Ngôn chững chạc, lọc lõi và
hơi kẻ cả, nó khác hẳn với một Mạc
Ngôn dại khôn, khôn dại và đam mê ở những trang viết kia. Phần viết này đánh
dấu một chặng đời trưởng thành và thành đạt, một chặng đường văn chương thể hiện
sự vượt trội của Mạc Ngôn trên văn đàn Trung Quốc và thế giới sau những bứt phá
không biết mệt mỏi và có gì đó hơi rồ dại.
Nói tóm lại, đọc Mạc Ngôn tạp văn, ta thấy rõ thêm một
Mạc Ngôn đa tài và giàu cá tính. Người ta đồ rằng, Mạc Ngôn sẽ tiến xa hơn nữa
trên con đường văn chương. Thậm chí, có người đánh bạo mà đưa ra nhận định, rằng
cái đích sẽ phải tới trong sự nghiệp văn chương của Mạc Ngôn là Nobel văn học. Sau
Cao Hành Kiện với Linh Sơn, rất có thể
cái tên tiếp theo sẽ là Mạc Ngôn. Song trước hết, và có lẽ quan trọng hơn, cái đích
mong muốn chính là sự mến mộ, là tấm lòng của đông đảo bạn đọc trên khắp thế giới
dành cho Mạc Ngôn !...
2.
Tôi viết về Mạc Ngôn với thể tạp văn từ năm 2008, với
dự cảm là Mạc Ngôn sẽ tiến xa hơn nữa trên con đường văn chương, với cái đích
gần là giải Nobel văn học. Quả nhiên, không lâu sau, năm 2012, Hội đồng giải
Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển gọi tên Mạc Ngôn.
Giờ thì Mạc Ngôn đã là chủ nhân của Nobel văn học
(2012). Đây là phần thưởng cao quý nhất dành cho một đời viết văn của ông, mà
mọi người cầm bút trên thê giới này đều mong muốn. Vậy những gì đã làm nên một
bút pháp Mạc Ngôn để Hội đồng Nobel văn chương vinh danh ông? Người ta đã nhận
định về Mạc Ngôn: “chủ nghĩa hiện thực ảo
giác hòa quyện với những câu chuyện
dân gian, lịch sử và đời sông hiện đại được sáng tạo ngay trên mảnh đất quê
hương ông”... Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh già “trong các tác phẩm của Mạc Ngôn,
hiện thực gây ảo giác hòa trộn với truyện dân gian, lịch sử và đương đại”.
Tôi không bàn về những đinh tính, đinh danh mà Hội
đồng Nobel đánh giá các tác phẩm của Mạc Ngôn, bởi tôi nghĩ, những nhận định ấy
khá chính xác. Ở đây, lại thấy Mạc Ngôn cũng theo các tiền bối văn chương nước
mình kể chuyện, có điều ông làm ngược lại. Nếu ở các tác phẩm văn học sử, ví
như “Tứ
đại danh tác” là Tây Du Ký (Ngô Thừa Ân), Tam Quốc Diễn Nghĩa (La Quán
Trung), Thủy Hử (Thi Nại Am) và Hồng Lâu
Mộng (Tào Tuyết Cân), các tác giả đều lầy bối cảnh thời đại rộng lớn để xây
dựng, khắc họa tính cách nhân vật và qua đó ký thác tâm tư, ký gửi thông điệp,
thì đến Mạc Ngôn, theo phép ngược. Ấy là ông đi tìm, nhặt nhạnh TỪ đâu đó các
câu chuyện dân gian, hoặc hiện đại mang ra kể, và từ các chuyện kể đó khái quát
nên xã hội rộng lớn, mà người đọc thấy thời cuộc, thấy được bóng dáng thời đại
mình để rồi tự rút ra những thông điệp cho mình. Nhìn chung là vậy, song cần
phải nói đến cái tài của Mạc Ngôn là các câu chuyện đời thường, có vẻ rất thật,
thậm chí trần trụi lại được ông nhào luyện, khuấy đảo tít mù, đến mức gây ảo
giác,...tạo không gian truyện riêng có, đặng tạo hiệu ứng tâm lý me hoặc.... Tôi
dã đọc Diễn từ Nobel của Mạc Ngộn khi ông nhận giải, càng thấy rõ bút
pháp này. Ở đấy, Mạc Ngôn cũng đóng vai người kể chuyện. Khi ông ngưng kể
chuyện cũng là lúc diễn từ cạn lời,... Can lời đấy nhưng không hết ý, bởi dư ba sẽ khiến bạn suy nghĩ mãi không thôi.
Ấy là cái tài của riêng Mạc Ngôn, y như ông viết truyện vậy.
Tôi nghĩ, sở dĩ Mạc Ngôn sử dụng bút pháp này là bởi người
Trung Hoa vốn quen với lối kể chuyện truyền thống, tức kể chuyện xuôi, cứ vậy
qua hàng ngàn năm rồi, – lấy bối cảnh xã hội rộng lớn làm phông nền rồi đặt câu
chuyện vào đấy, nay ông làm ngược lại, lập tức gây hiệu ứng khác thường. Như
thế, vừa lạ, mà Mạc Ngôn lại giấu được mình,... nghĩa là, người ta khó mà lần
ra đầu mối, khó xâu chuỗi thành luận điểm này nọ để quy kết và bắt lỗi ông
được,... Sống trong một thời đại mà thể chế và hệ tư tưởng được xem là duy nhất
đúng của quốc gia mình, Mạc Ngôn khó có thể công khai bày tỏ cách nhìn nhận
khác đi, nên ông đã chọn cho mình một bút pháp
riêng, như Hội đồng văn chương Nobel ddaax nhận định, ấy cũng là lý do
họ trao giải cho Mạc Ngôn “chủ nghĩa hiện
thực ảo giác hòa quyện với những câu
chuyện dân gian, lịch sử và đời sông hiện đại”... Tôi nghĩ, với bút pháp
này, mỗi câu chuyện (tác phẩm), ông đã tạo nên cái tổ kén dày dặn và rắc rối
bao bọc cho hạt nhân là thông điệp mình ký thác, nhường phần giải mã cho người
đọc,. Tác dụng kép, ấy là anh bảo thế, họ
bảo thế, chứ tôi không hẳn thế,... (phép “Kim
thiền thoát xác”, người Trung Hoa kim cổ vốn hay dụng, một trong 36 chước
của Binh pháp Tôn Tử).
Tiểu thuyết Phong nhũ phì đồn, bản dịch tiếng
Việt của dịch giả Trần Đình Hiến thoạt đầu lấy tên Báu vật của đời là sự thể
hiện rõ nét của bút pháp này. Đến các tác phẩm sau của ông, bút pháp ấy càng
thuần thục nhuần nhuyễn, trở thành nghệ thuật sáng tạo tiểu thuyết của Mạc
Ngôn, thậm chí gây ảnh hưởng đến các nhà văn khác. Đơn cử, tôi nhận thấy thấp
thoáng đâu đó dấu vết bút pháp ấy trong một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
ở Việt
Cùng với Phong nhũ phì đồn, Đàn hương hình, Cây
tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ,... thì bộ ba tác
phẩm Đỏ (Tam hồng) của Mạc Ngôn là Cao lương đỏ, Châu chấu đỏ và Củ
cải đỏ trong suốt của ông đáng để bạn đọc kính nể bởi ngôn ngữ, giọng
điệu kể chuyện của tác giả không lẫn với bất cứ ai, chân thực mà hư ảo, hài
hước mà xót xa sôi sục mà tĩnh lặng,trần trụi mà ẩn dụ, giản dị mà mê hoặc,...
Trước khi được trao giải Nobel văn học, người ta hy
vọng và chờ đợi điều này, đến khi Mạc Ngôn có giải, người ta han hoan, ca ngợi.
Nhưng chục năm sau, khi mọi thứ lắng lại, hình như người ta mới hiểu, mới thấm
và giật mình lật lại vấn đề, thì ra ông nhà văn này chuyên đi phơi bày những
thói hư tạt xấu của người Trung Hoa à, tóm lại là toàn “vạch áo cho người xem lưng” thôi. Vậy thì ông ta đâu phải có công
mà là có tội đấy chứ. Suy diễn thế, Mạc Ngôn chạy đường nào?...Ở đây, tạm gác
sang một bên những ý kiến khác nhau xung quanh tác phảm ‘Ma chiến hữu” mà chỉ bàn
về thi pháp tiểu thuyết của Mạc Ngôn,...
Nhưng đã là nhà văn thì phải biết chấp nhận. Mạc Ngôn tài năng xuất chúng nên càng phải
vậy. Hề hấn chi, khi trước ông từng có một Lỗ Tấn lừng danh vói AQ
chính truyện cùng “phép thắng lợi
tinh thần”, mà ở đấy cái tốt đẹp và cái xấu xí của người Trung Hoa được
khắc họa đậm nét, không chỉ thế còn mang tầm nhân loại.
Mà đâu chỉ Lỗ Tấn, trước Mạc Ngôn còn có Mao Thuẫn, Ngô Tử Kính, Lão Xá, Tào Ngu, Ba Kim,... nên ông cần vững tâm trên con đường mình đã chọn.
Chắc hẳn Mạc Ngôn chưa già, chưa chán
đến mức để mà gác bút,...
Vậy thì chờ đợi gì nữa ở Mạc Ngon đây?...
Nhận xét
Đăng nhận xét