@@@
NGUYỄN HUY DUNG
đủng
đỉnh báo và thơ
Thường là viết về ai thì phải thật sự
hiểu biết về người đó, hay chí ít cũng phải có một kỷ niệm nào sâu sắc với
người ấy. Với Nguyễn Huy Dung thì tôi không có cả hai, mặc dù tôi làm việc cùng
ban biên tập với Nguyễn Huy Dung và là thuộc cấp của ông là lâu nhất, khoảng 15
năm trời (1994 – 2008). Như thế kể cũng lạ ,...Đấy cũng là lý do tôi điền tên
ông sau cùng trong tập sách viết dở của mình.
Nguyễn Huy Dung quê cạnh Chùa Thày,
Quốc Oai thuộc xứ Đoài, nhưng ông bảo gốc gác dòng Nguyễn Huy thi thư chữ nghĩa
mãi trong Hà Tĩnh di ra hơn trăm năm trước. Học Tổng hợp văn, về Đài Tiếng nói
Việt
Vậy là tôi đành nhờ công cụ tìm kiếm
nhưng kết quả chỉ cho ra một người trùng danh tính, vị giáo sư tiến sĩ, thày
thuốc nhân dân Nguyễn Huy Dung, ông này có làm thơ. Có lẽ, rất ít người viết về
nhà báo nhà thơ Nguyễn Huy Dung, đồng nghiệp của tôi, hoặc giả có thì cũng
không đưa lên mạng xã hội nên chẳng thể tìm được thông tin gì. Đành phác thảo
chân dung ông theo trí nhớ của mình thôi.
Thực ra, về Đài TNVN vài năm, tôi đã
biết đến ông. Khi đó Nguyễn Huy Dung là trưởng phòng phát thanh “Dành cho dồng bào xa tổ quốc” mà dân nhà
Đài (VOV) quen gọi tắt là Phòng phát
thanh Việt Kiều. Tôi yêu văn chương, tập tọng làm thơ viết truyện nên cùng
cơ quan có ai sáng tác văn thơ là lân la làm quen. Với các bậc đàn anh văn
chương lừng lững ở Ban Văn nghệ thì e ngại vì nhìn các vị ấy cao vời vợi, nên tôi
mon men bắt quen với các cây bút ở các ban biên tập khác, như Nguyễn Huy Dung (Ban
Thời sự), Trần Ngọc Thụ, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Quang Huy (Ban Chuyên đề)... Trong
số ấy, Nguyễn Hiếu tếu táo hài hước và Nguyễn Huy Dung nhỏ nhẹ gần gũi nên dễ
làm quen. Ngày ấy ai cũng nghèo, đâu quán xá gì. Đến phòng làm việc của nhau,
chén nước trà vài câu chuyện phiếm thôi. Tôi chuyển qua vài ban biên tập khác
nhau rồi về Ban Văn hóa xã hội thành thuộc cấp của Nguyễn Huy Dung. Thời
điểm ấy, Nguyễn Huy Dung được đề bạt từ Trưởng phòng phát thanh Việt Kiều lên
Phó trưởng ban biên tập Văn hóa xã hội, giúp việc cho Trưởng ban, nhà báo
Nguyễn Đình Lương. Vậy là tôi có mười
mấy năm làm việc cùng ban biên tập với ông,...
Dáng vẻ ngoài, Nguyễn Huy Dung hiền
lành giản dị, ông đi chậm, nói khẽ, rành rẽ từng câu từ, nói theo dân làm báo
là không cần biên tập. Nguyễn Huy Dung là người cẩn trọng, kỹ tính trong cả
nghề làm báo và nghiệp thơ. Tiếng là làm thời sự, nhưng dành cho Việt kiều nên
không phải cái gì cũng vội, sốt sột kiểu “nóng
hổi bừ thổi vừa ăn”, nói ngay ra mà phải làm cho nguột bớt đi và đợi chín rồi
mới nói. Tính cách người và tính chất việc ngấm vào mà nên định dạng ông chăng?
Trước nữa, Nguyễn Huy Dung chuyên theo dõi mảng giáo dục nên sau về làm lĩnh
vực Văn hóa xã hội thật hợp với ông. Đây la thời gian Nguyễn Huy Dung thoải
mái, sảng khoái nhất, đủng đỉnh báo và thơ cho đến lúc nghỉ hưu.
Nguyễn Huy Dung đủng đỉnh làm thơ,
đăng báo thơ chơi với bạn bè, với đời, chẳng có gì phải sốt ruột cả, đủ bài thì
in tập, cả đời thơ ông đâu có ba bốn tập (Nguyệt
cầm trong bão, Sau mưa, Ẩn trong cây và tập dự kiến xuất bản là
Phố có người còn nhớ). Trong mấy tập
thơ đã xuất bản thì Ẩn trong cây là chín nhất, bởi ở đó Nguyễn Huy Dung dằm về cấu
tứ và ngôn từ, nhiều bài thơ được bạn bè và bạn đọc nhớ, như: Một lát nữa mùa thu sẽ đến, Bản xô-nát thất lạc, Phố Khúc Hạo có người còn nhớ, Ý nghĩ trước
mùa lá đổ, Chợ mai, Hoa đại núi Thày, Cô gái có đôi giày đỏ...
Ngoài đời, hiếm khi Nguyễn Huy Dung to
tiếng, cứ nhỏ nhẹ, rủ rỉ, cốt sao được việc. Với ông, người sao thơ chiêm bào làm vậy. Thơ Nguyễn Huy Dung như sự tự nhủ
mình, những suy tư rẩm riu trong lòng, những
nỗi niềm khó nói ra được, nói chung nó như một âm bản của cuộc sống sôi động
bên ngoài.... Đời sống xao động bao nhiêu đi chăng nữa khi thẩm thấu vào thơ
Nguyễn Huy Dung lại nhẹ nhàng êm ả bấy nhiêu. Cảm giác lăng kính cuộc đời của
ông như chiếc rây bột để lại trên rây những hạt to và thô, chỉ lọc lấy những
bụi mịn li ti,...
Có lẽ,
“Một lát nữa mùa thu sẽ đến” là bài thơ của Nguyễn Huy Dung được
nhiều bạn thơ biết và thích hơn cả: “Không
có tín hiệu nào của thiên nhiên/ Nói mùa thu nhiều gió/ Không bờ sông, không
lối cỏ/ Không hoa cúc vàng, không cánh bướm tiên tri/ Không có gì/ nói mùa thu
sẽ lại/ Dưới vòm trời của cây khế nhiều tuổi/ Chỉ em ngồi và đếm rất lặng im/ Hoa
tím rơi trên vạt áo vô tình/ Mà không biết vì sao bấy giờ anh lại nói/ - Chỉ
lát nữa mùa thu sẽ đến/ Chỉ em ngồi đến giọt tím hoa rơi/ Thời gian trôi/ Lặng
im và chậm/ Điệp khúc môi anh vẫn chỉ bấy nhiêu lời/ Một lát nữa mùa thu sẽ đến,...”
Bạn thơ của ông có người còn đùa vui
Nguyễn Huy Dung là ông-“một lát nữa mùa
thu sẽ đến”. Bị trêu vậy ông cười típ mắt đón nhận như một phần thưởng, vì
có được một biệt danh như vậy với người làm thơ thật không phải dễ, bởi có
nhiều người làm thơ cả đời mà người ta không nhớ nổi một bài thậm chí một câu nào.
Cảm thức thời gian bốn mùa luân chuyển
rõ nét trong thơ Nguyễn Huy Dung: “Phố Khúc Hạo có người còn nhớ/ Dạ lan hương
đuổi bắt suốt đêm hè/ Phố Khúc Hạo có người còn nhớ/ Hạt cốm mềm thành câu đố
mùa thu” (Phố Khúc Hạo có người còn nhớ); “Em cầm mùa hạ trên tay/ Bông sen đỏ buổi mai ngày mới lên/ Phải chăng
năm tháng ưu phiền/ Lòng còn gắng giữ mùa sen giữa bùn?” (Mùa
Hạ); “Tôi đứng trên cao, ngôi nhà
cuối phố/ nhìn xuống lòng đường/ những trận gió mùa đông cũ/ đan g quét đi từng
trận lá vàng/ Trong gió thổi dọc ngang/ những cơn lốc lá vàng quay tít/ Hàng
cây rung lộc biếc/ trong rộn ràng tiếng chim/ Có gì không yên,...” (Ý
nghĩ trước mùa lá đổ) v.v... Thực ra, Nguyễn Huy Dung mượn sắc thái
mùa, những biến đổi thiên nhiên lúc giao mùa là để trang trải cõi lòng mình
cùng thế thái nhân tình. Có điều, cảm giác là ông chỉ nói cho có chuyện thôi chứ
thực ra chưa chạm đến độ da diết, khắc khoải hay đau đáu với nỗi đời,... Thơ
ông âm bản là vậy chăng?
Vùng quê của Nguyễn Huy Dung chân núi
Sài Sơn, nơi gần ngàn năm trước thiền sư Từ Đạo Hạnh chọn làm nơi tu hành và
đắc đạo, nay dấu tích vẫn còn đó, hang Thánh hóa, đường lên giời đường xuống
địa phủ,... chân núi có chùa Thày tọa lạc, điển hình văn hóa xứ Đoài, cũng có
thể xem là vùng đất văn vật của đồng bằng Bắc Bộ, nên ít nhiều ảnh hưởng đến thơ
ông. Quả là hồn vía đất Quốc Oai, Sơn Tây, xứ Đoài thấp thoáng ẩn chứa đâu dó trong
những câu thơ bình dị của Nguyễn Huy Dung: “Chợ
gọi theo tên làng/ mùa nào hoa quả nấy/ dẫu nắng hạn mưa dông/ chợ không hề
vắng buổi/ Sớm mai đi chợ Mai/ ngỡ là câu nói lối,...” (Chợ
Mai); “Thị xã nhiều phố đất không
tên/ mấy phố chính đi một lần đã nhớ/ nhà lợp toàn mái gianh mái cọ/ chúng mình
vẫn đùa cửa ngõ trung du,...” (Sơn Tây); “Đồi xanh xanh, bờ bãi xa mờ/ Trẻ thả bò hát đồng dao rồng rắn/ Chất
giọng Hương Sơn cái thời ta bế ẵm/ Giờ trở về gặp lại thấy yêu hơn” (Mẹ ở
Hương Sơn); “Thân cây gày guộc
già nua/ Rút từ ruột đá nắng mưa nhọc nhằn/ Nở hoa hương sắc nồng nàn/ Hương
thơm cho đến lúc tàn vẫn thơm” (Hoa đại núi Thày”,...
Thơ Nguyễn Huy Dung không có gì nổi
trội nhưng người ta cảm nhận được sư ấm áp chân tình, thứ mà chính những người
làm thơ nhận thấy và cần để giao du đàm đạo với nhau chăng? Nhóm bạn thơ thân
thiết của ông, những Quang Khải, Nguyễn Hoàng Sơn, Vũ Từ Trang, ... trên nữa là
nhà thơ Trần Lê Văn, nhà văn Băng Sơn...cũng chgo thấy điều ấy. Bài thơ “Nghệ
thuật” của ông, tôi xem như một quan niệm về nghệ thuật nói chung và về
thơ của Nguyễn Huy Dung. Ông mượn hình tượng một chàng gù yêu một cô nàng xinh
đẹp cùng phố (kiểu như chàng gù nhà thờ
Dức Bà Paris si mê cô gái bô-hê-miêng xinh đẹp Exmeranda của văn hào Victor
Huygo) vì yêu nàng mà chàng vẽ tranh và làm thơ để ca ngợi sắc đẹp của nang
nhưng không được nàng đáp lại, rồi một ngày nàng lên xe hoa cùng một tay tỉ phú
nọ, bỏ lại chàng gù vẫn vẽ tranh, làm thơ... Nghệ thuật là thế đó, say mê nghệ
thuật, thi ca là thế đó: “Chàng gù vẫn vẽ
tranh, chàng gù vẫn làm thơ/ Chàng không tin chuyện này có thật/ Chỉ ảo ảnh
ngang qua rồi vụt mất/ Chàng chỉ tin trái tim không lầm chỗ bao giờ/ Trong hạnh
phúc âm thầm chàng vẽ tranh, làm thơ...”. Thi ca, với Nguyễn Huy Dung như
vậy là đủ, dù một chiều, yêu thì theo, bất cần sự đáp lại thế nào?...
Tôi nhớ, khi tuổi dần cao, thi lực giảm đi nhiều, có lần ông tâm sự, rằng mắt kém nhiều khi không nhận ra người quen nên không chào hỏi lại bị trách là khinh người. Thôi đành vậy, biết thanh minh thế nào. Nhưng mà cũng có cái hay, nhìn người không rõ nét mặt, nên phụ nữ, ai cũng thấy xinh, được nhiều hơn mất, Nguyễn Huy Dung cười rõ tươi. Chẳng bù những năm tháng trai trẻ sung sức, đạp xe kẽo kẹt qua ngày qua tháng đi về giữa Hà Nội và Sài Sơn, Quốc Oai thăm vợ con ở quê, rồi cả những chuyến đi cả tháng trời dọc miền Trung nắng gió vào tận Cẩm Xuyên Hà Tĩnh để viết về giáo dục. Vừa đạp xe người đẫm mồ hôi, đèo lỉnh kỉnh vật dụng, vừa nhẩm câu thơ trong đầu, lấy đó làm động lực. Yêu thơ và làm thơ là thế đó.
Nguyễn Huy Dung, học chuyên ngành văn
Đại học Tổng hợp, rồi làm báo, làm thơ. Yêu thơ mà đeo đuổi nó, đâu vì trở thành
nhà này nhà nọ ở hội này hội kia. Thế nhưng, bạn bè giao du với mình đều vào
hội cả rồi thì mình cũng nên vào cho vui. Nhưng không hiểu sao, qua nhiều mùa
kết nạp vẫn chưa thấy tên ông. Đã có lần trong lúc trà dư tửu hậu tôi ướm hỏi,
ông bảo, à có nhà thơ đàn anh nọ có vai trò quan trong trong hội đồng vốn không
ưa ông, bởi nhà thơ đàn anh ấy nghe ai đó nói rằng ông chê thơ ông ta, vậy
nên...
Tiếng là nhà thơ thì quan trọng nhất là làm ra thơ hay, nhưng không vào hội như bạn thơ cùng trang lứa, với Nguyễn Huy Dung, nó cứ sao sao ấy... Những năm gần tuổi nghỉ hưu, mỗi mùa kết nạp hội viên, Nguyễn Huy Dung vẫn có ý mong chờ, tôi biết thế... Nhưng không.
Có lẽ, với Nguyễn Huy Dung, đời báo nghiệp thơ, thì đây
là chút còn chưa toại nguyện của ông chăng?...
Mà cần chi đâu, chỉ biết là, hễ nhắc đến nhà thơ Nguyễn
Huy Dung, bạn yêu thơ lại nhơ câu thơ: “Một
lát nữa mùa thu sẽ đến”.
Nhận xét
Đăng nhận xét