PHAN QUANG tài hoa và bền bỉ...

 




@@@

PHAN QUANG

tài hoa và bền bỉ...

Trước hết, tôi xin được bày tỏ lòng kính trọng ông, của một người cầm bút, một đồng nghiệp báo chí, văn chương thuộc thế hệ sau.

          Ông là nhà báo, nhà văn Phan Quang; một nhà báo lão thành và lão luyện; một cây bút tài hoa và bền bỉ; một con người suốt đời miệt mài lao động chữ nghĩa;...

          Bởi thế, viết về ông thật khó, khi mà bản thân ông đã viết và xuất bản khoảng năm chục đầu sách và có hàng trăm bài viết về ông của các tác giả trong và ngoài nước,...

          Thế nhưng, trong cái nền chung ấy, tôi nghĩ, vẫn có góc nhìn của riêng mình qua những gì tôi biết và nghĩ về ông.

          Phan Quang quê Hải Lăng, Quảng Trị. Sinh ra trong một gia đình khoa bảng (có ông nội đỗ Cử nhân dưới triều Tự Đúc nhà Nguyễn)  nên ông được học hành. Ông sớm gia nhập phong trào thanh niên từ đầu năm 1945 và trong cách mạng Tháng Tám, Phan Quang tham gia cướp chính quyền ở Quảng Trị. Kể từ đấy ông tham gia hoạt động cách mạng, khi mới 20 tuổi, Phan Quang bước vào cuộc đời làm báo. Năm 1948, Phan Quang làm báo Cứu Quốc ở Quảng Trị, theo đó suốt cả cuộc đời cho đến tận bây giờ, ông miệt mài cùng sự nghiệp báo chí, văn chương, kinh qua nhiều chức vụ trọng yếu ở các cơ quan báo chí.

          Phan Quang viết được nhiều thể loại như phóng sự, điều tra, thời luận, tản văn, tùy bút, bút ký, truyện ngắn, biên khảo, nghiên cứu và dịch thuật. song phải đến tác phẩm dịch thuật “Nghìn lẻ một đêm” của Anoine Galland thì tên tuổi Phan Quang về lĩnh vực văn học mới nổi bật. Những tác phẩm văn học thuở ban đầu của ông tôi không có vinh hạnh được đọc nên không dám bàn, song tác phẩm khảo cứu “Đồng bằng sông Cửu Long” của ông thì tôi thực sự ấn tượng. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, năm 1981 tôi vào miềnTây Nam bộ trong vai trò một kỹ sư nông nghiệp tham gia khai phá đồng bằng sông Cửu Long, tôi đã mang theo mình cuốn sách này của ông như một cẩm nang đặng đối chiếu và so sánh với thực địa, cùng với đống sách kỹ thuật nông nghiệp. Hy vọng và thất vọng đều  có, nhưng xin không bàn ở đây, chỉ biết là những gì ông viết trong đó đã mở mắt cho tôi nhiều điều. Qua bài viết này, tôi muốn bày tỏ sự biết ơn Phan Quang vi cuốn sách đó của ông!

          Tiếng tăm ông là thế nhưng phải khi về làm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) vào cuối năm 1987, tôi mới gặp mặt ông. Khi đó, vừa giải thể Ủy ban Phát thanh truyền hình Việt Nam để thành lập Bộ Thông tin, Bộ mới này được thành lập trên cơ sở của Ủy ban cũ, nên bộ máy quản lý của nó nằm chung trụ sở 58 Quán Sư, Hà Nội với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Nhà báo Phan Quang được bổ nhiệm Thứ trưởng bộ mới, giúp việc cho Bộ trưởng, nhạc sĩ Trần Hoàn.  Ban biên tập Thính giả của tôi nằm chung trụ sở này, nên hàng ngày đi làm hay chạm mặt Phan Quang. Chung chỗ, khác cơ quan, vả lại dáng vẻ ngoài ông nghiêm cẩn nên không dễ gần. Chạm mặt ông thì chào xã giao vậy thôi.

          Nhưng rồi, đâu đó vài năm, Bộ Thông tin sáp nhập vào Bộ Văn hóa rời về phố Ngô Quyền, nhà báo Phan Quang được điều động làm Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), ông trở thành thủ trưởng cao nhất cơ quan tôi. Trớ trêu thay, phòng làm việc của chương trình phát thanh Tiếp chuyện bạn nghe đài của chúng tôi ở tầng 3 ngay trên đầu phòng làm việc của TGĐ Phan Quang ở tầng 2. Hàng ngày, gặp mặt chan chát ở cầu thang bộ. Mấy chị em nữ cùng phòng tôi bắt đầu biết ăn diện soan phấn váy vó và giày cao gót đi lại lộp cộp lắm. Lâu lâu, anh cán bộ Ban biên tập lại cau mặt nhắn bảo dạy dỗ “Này mấy cô, đi lại nhẹ cái chân thôi, anh Phan Quang nhờ tôi nói lại giùm là các cô cứ gõ gót giày ầm xuống phòng của anh ấy, khó tập trung làm việc lắm... Anh ấy là người lịch sự tinh tế nên chỉ nhắn thế, chứ không mệnh lệnh đâu nhé”. Mỗi lần vậy, mấy chị em le lưỡi so vai bụm miệng cười bảo nhau nhẹ nhàng, nhưng rồi lại quên, đâu đóng đấy. Có là Tổng giám đốc thì cũng đành bấm bụng chịu thôi.

           Là lãnh đạo cao nhất của Đài TNVN, ông kiêm cả chức vụ Tổng thư ký rồi Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đồng thời cũng là đại biểu Quốc hội mấy khóa liền, nên đi công tác trong và ngoài nước liên miên nhưng ông rất chu đáo quan tâm đến các việc nhỏ riêng của nhân viên thuộc cấp. Bằng chứng, có lân gặp, ông lưu tôi ở sảnh trước cửa phòng làm việc của ông, bảo: “Cậu chịu khó viết nhỉ. Tôi có đọc mấy truyện ngắn của cậu đăng trên báo. Được đấy. Đừng bỏ văn , văn và báo bổ trợ cho nhau cũng tốt mà”. Tôi hiểu ông khuyên tôi như cái cách ông đã làm, báo và văn song hành. Tôi nghe theo bởi thực tâm tôi thấy hợp lý. Khi cưới vợ, tôi băn khoăn việc đưa thiếp mời ông dự, tôi ngại không mời thì thất lễ mà mời thì ông bận bịu vậy chắc khó dự, nhưng rồi vẫn gửi thiếp mời. Quả nhiên, ông bận đi công tác nước ngoài song vẫn nhớ gửi thiếp qua thư ký riêng của mình đến tôi, chúc mừng hạnh phúc và cáo lỗi không dự được. Đủ thấy ông lịch thiệp và chu đáo thế nào. Nhưng thôi bởi ở đây, tôi muốn phác thảo con người văn chương của ông.

          Chỉ riêng lĩnh vực văn chương, Phan Quang viết khá sớm và  đều tay. Năm 1954 ông đã xuất bản tập truyện ngắn đầu tay, rồi song hành cùng nghề làm báo, ông viết văn và dịch thuật (tiếng Pháp). Vì song hành báo-văn nên hai lĩnh vực này trong các tác phẩm của ông ảnh hưởng và chi phối lẫn nhau, không hãm mà đôn nhau lên. Ông viết báo có chất văn, và viết văn lại thấy sự sắc sảo và tính thời luận của báo. Với nhiều người khác ở ta, kiểu nửa văn nửa báo thường là hãm nhau, làm giảm chất lượng chung, nhưng với Phan Quang thì không, ông là số ít, nếu không nói duy nhất thành công ở định dạng này. Tôi nghĩ, sở dĩ vậy, ông quá hiểu sự chông chênh đó mà vẫn lựa chọn phong cách này là bởi tính chất song hành của công việc bó buộc, còn thành công được là nhờ ông giỏi văn phạm, chữ nghĩa trau chuốt trên nền tảng của kiến thức uyên thâm. Vô hình chung, Phan Quang đã tạo dựng nên một phong cách văn-báo của riêng mình.

          Đọc Phan Quang, dù ngắn hay dài, chí ít người ta đều thu hái được thông tin hay thông điệp gì đây mà không thấy uổng công. Vậy thôi nhưng không dễ, bởi phải có tính chuyên nghiệp cao. Xin không bàn rộng, tôi lấy mấy bài bút ký của ông mà tôi rất ấn tượng để bàn luận đôi điều như một minh chứng cụ thể ...

          Ở bài viết về những suy nghĩ bên mộ vua Tần, Phan Quang mượn cớ chuyến ông viếng thăm khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc mà bàn rộng ra lịch sử và văn hóa Trung Hoa mấy ngàn năm; sự hình thành nền văn minh Hoa Hạ; sự hình thành các hệ tư tưởng (Bách gia chư tử); sự tạo dựng nhà nước phong kiến phân quyền và tập quyền; sự mâu thuẫn chính trị quyền lực, sắc tộc, tôn giáo trong xã hội trung hoa cổ và trung đại ; sự xâm lăng và bị xâm lăng cùng tính hai mặt của chiến tranh v.v...

          Ở bài bút ký viết về nghĩa trang danh nhân ở Paris, Pháp – nghĩa trang Père-Lachaise, nơi yên nghỉ ngàn thu của người chết trong đó có nhiều danh nhân châu Âu và thế giới, được xem như  công viên cho dân Paris và khách thập phương du lịch, Phan Quang lại bộc lộ sự am tường về văn minh văn hóa phương Tây. Đọc bài viết của ông về nghĩa địa dành cho người chết là để cho người sống nghĩ về quá vãng, suy ngẫm hiện tại và chờ đợi tương lai. Tịch mịch mà không u ám, thú vị xen chút hoài niệm, ý thức về sự nhẹ nhàng của cái chết cùng sự vĩnh hằng của con người nên không thấy sợ... và quan trọng người ta ý thức được giá trị của sự sáng tạo cống hiến khi còn sống,... Khách tham quan như cảm nhận được anh linh  các danh nhân lừng danh một thời đang dạo chơi đâu đó trong vườn cây nghĩa trang, Honorre de Balzac, La Fontaine, Moliere, Colette, Ferèdẻic Chopun, Osca Wilde...

          Một bài viết nữa của ông về chuyến hành phương Bắc của một vị vưa triều Nguyễn, từng đi qua và nghỉ đêm ở làng quê ông thuộc Hải Lăng, Quảng Trị. Gia đình ông là gia đình khoa bảng, khá giả nên cũng là chỗ nghỉ đêm cho đám tùy tùng của nhà vua. Câu chuyện ông thuật theo lời kể trong gia đình ông đã cho thấy phần nào diện mạo của triều chính nhà Nguyễn khi ấy và rộng ra là xã hội Việt Nam nghèo nàn lạc hậu trong bối cảnh thoái triều của nhà Nguyễn, đồng thời cũng thấp thoáng ánh lửa của sức mạnh nhân quần đòi quyền sống dưới sự cai trị của chế độ thực dân phong kiến,...

          Đương nhiên, ngoài mấy bài viết mà tôi dẫn ra minh chứng cho một phong cách văn-báo của Phan Quang, ông còn nhiều bài viết, cuốn sách khác hay và bổ ích. Tới nay, sau ngót 70 măm cầm bút, Phan Quang đã cho ra đời trên dưới năm chục đầu sách, điều đó cho thấy sức lao động cần mẫn và bền bỉ của ông. Có lẽ, trong làng báo làng văn xứ mình hiếm người đạt được những con số  ấy như ông?...

          Gặp mặt thấp thoáng ở cơ quan thì nhiều lắm, nhưng gặp riêng và chuyện lâu thì tôi hân hạnh tiếp kiến ông đôi ba lần. Ấy là vào dịp Đài (VOV) kỳ niệm 70 năm thành lập (07/9/2015), theo hẹn trước, Phan Quang đến phòng làm việc của tôi ở tầng 7 trụ sở 58 Quán Sứ. Tiếp riêng ông, tôi có phần ái ngại, đơn giản bởi phòng làm việc của tôi, cấp trưởng ban mà rộng gấp đôi và tiện nghi đầy đủ hiện đại hơn phòng làm việc của ông trước đây khi còn đưởng kim Tổng giám đốc Đài. Thấy ông vui vẻ bình thường, tôi bớt phần ái ngại. Thày trò rủ rỉ bao nhiêu chuyện, báo chí văn chương, quá khứ hiện tại... Hôm ấy trời mưa rả rích, tới trưa tôi giữ ông mời dùng bữa trưa tại căng-tin nhà đài nhưng ông nhẹ nhàng từ chối khéo bảo sáng đi đã hẹn vợ về ăn cơm. Còn lần sau vào đầu thu năm 2017, Phan Quang ra sách mới, tập bút ký “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm”, ông mượn phòng họp của Đài để làm nơi tổ chức  lễ ra mắt sách. Cả một buổi chiều, ngồi giúp ông ký tặng sách, lại rỉ rả hầu chuyện đỡ việc ông. Cảm giác thật gần gũi và ấm áp bên người đồng nghiệp lớn.

          Phan Quang từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau nên dù không định nhưng tôi vẫn muốn đưa ra nhận định theo góc nhìn của mình. Ở mỗi vị trí lãnh đạo, quản lý nhà nước hay chuyên môn, công tác Hội, Phan Quang đều làm tròn vai nhưng ông không phải là nhà quản lý giỏi. Có lẽ, tính nhân văn, lịch lãm pha chất hào hoa trong con người ông đã khiến ông khó có thể thể mạnh tay quyết đoán trong quản lý hay xử lý một ai đó liên quan đến thân phận con người. Theo tôi, ông có vai trò quan trọng việc góp phần đưa dòng chủ lưu báo chí nước nhà hòa nhập với báo chí thế giới qua tổ chức OIJ (Tổ chức Nhà báo Quốc tế). Thế nhưng, không phải ai cũng đánh giá cao, việc này từng bị một số đồng nghiệp phê phán là hữu khuynh.

          Phan Quang, tài hoa và bền bỉ. Giờ đây, ở độ tuổi gần chín mươi, ông vẫn chưa ngừng nghỉ. Và như thế, bạn đọc vẫn có quyền mong chờ những đầu sách mới của ông,..../. 

          






Nhận xét